.Gọi ngay

Bài tham luận của CEO DSS Group – Daisy Nguyễn, gửi cho hội nghị “Đối thoại về công tác đối với Người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến TP.HCM thuộc diện chuyên gia, tu nghiệp và xuất khẩu lao động”

bai-tham-luan-cua-ceo-dss-group-daisy-nguyen

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP. Hồ Chí Minh, Ngày 28 tháng 11 năm 2023                                                                                                       

Kính gửi: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Nguồn cung nhân lực nội địa Úc hiện đang rất hạn chế, đây chính là tiền đề mở ra cơ hội việc làm, định cư cho sinh viên và người lao động Việt Nam.

Thông tin trên được Thượng nghị sĩ Trung Lưu – Thượng nghị sĩ người Việt duy nhất tại Tiểu bang Victoria Úc nhấn mạnh trong buổi gặp gỡ và làm việc với chúng tôi trong tháng 10 vừa qua, và đã được đưa tin trên kênh vtv (https://vtv.vn/goc-doanhnghiep/co-hoi-hoc-tap-va-lam-viec-tai-uc-cho-sinh-vien-va-lao-dong-viet20231020152551774.htm)

CEO Daisy Nguyen đang tham luận về cơ hội nghề nghiệp tại thị trường lao động Úc 

Được biết, năm 2023, có tới 36% số ngành nghề của Úc thiếu lao động có trình độ. Điều này khiến Chính phủ Úc phải tăng cường các giải pháp thu hút lao động có tay nghề từ nước ngoài, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng phó thiếu hụt lao động. Một trong những động thái rõ ràng nhất là vào đầu tháng 7/2023, khi Úc quyết định tăng mức trần lương đối với người lao động nhập cư giữ các dòng visa do chủ doanh nghiệp bảo lãnh (482, 494, 186, 187) lên 70.000 AUD (gần 1,1 tỉ đồng), thay cho mức 53.900 AUD áp dụng từ năm 2013.

Bổ sung lực lượng lao động cho thị trường vốn đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng tại Úc, đây chính là cơ hội rất lớn cho sinh viên và người lao động trẻ Việt Nam tới Úc làm việc thông qua các chương trình du học làm việc định cư trên những tiêu chí quan trọng gồm: hợp pháp, công bằng và lợi thế cạnh tranh lớn của lao động trẻ Việt Nam trên thị trường nhân lực quốc tế:

1) Tiêu chí hợp pháp:

Bản ký kết năm 2018 ghi nhận Việt Nam và Australia (Úc) và Việt Nam chính thức trở thành đối tác chiến lược, cả trong mảng giáo dục và lao động việc làm. Điều này đã tạo tiền đề vững mạnh cho những tổ chức tư vấn về các chương trình du học, thực tập nghề và di trú quốc tế có điều kiện mở rộng các hoạt động trực tiếp hoặc thông qua nhiều hoạt động hợp tác với các cơ sở, hiệp hội giáo dục và đào tạo nghề tại Việt Nam.

Các quy định về luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (còn được biết dưới tên gọi phổ biến chương trình xuất khẩu lao động) số 69/2020/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 chủ yếu quy định 04 thị trường truyền thống và trọng điểm là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia chiếm trên 95% lao động xuất cảnh hàng năm theo số liệu của cục quản lý lao động ngoài nước vào tháng 5, 2023 với các quy định ngặt nghèo về quản lý lao động, ký quỹ. Cũng theo cục quản lý lao động ngoài nước, các quy định trong trường hợp lao động theo hợp đồng khác với trường hợp lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài qua các chương trình du học, thực tập nghề và di trú định cư nghề quốc tế được xét duyệt thị thực visa theo quy định hiện hành của cơ quan nội vụ Úc (Department of Home Affairs) lần lượt là 500, 407, 482 và 1 số loại visa định cư nghề khác bao gồm visa định cư nghề do chủ doanh nghiệp bảo lãnh (employer sponsored skilled visa).

Các loại thị thực visa này có thể được nộp và xét duyệt khi người ứng viên của hồ sơ visa đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm về ngoại ngữ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo được về điều kiện làm nghề và được xét duyệt, giao kết hợp đồng cũng như được bảo lãnh bởi các doanh nghiệp Úc đủ điều kiện về quy mô hoạt động và vận hành. Các ứng viên có thể tự nộp hồ sơ trực tiếp khi đủ điều kiện hoặc thông thường sẽ tìm tới tổ chức di trú uy tín để hỗ trợ thủ tục visa định cư nghề cho các ứng viên đủ điều kiện được doanh nghiệp Úc bảo lãnh.

Tuy vậy, hiện nay còn khá nhiều nhầm lẫn trong việc nhận thức về việc cung cấp thủ tục visa định cư nghề với chương trình xuất khẩu lao động của các thị trường truyền thống Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia. Hiện tại do các yếu tố về cơ hội việc làm thu hẹp và 1 số yếu tố khác, 1 số công ty xuất khẩu lao động đang dịch chuyển dần sang các chương trình Úc với hiểu biết rất hạn chế, và tạo ra 1 số cạnh tranh không lành mạnh cũng như truyền thông bất chấp trên các mạng xã hội cũng như trực tiếp tới các cơ sở nguồn các chương trình visa thu phí cao đưa lao động bất hợp pháp vào Úc. Điều này rất cần sự can thiệp nhanh chóng và kịp thời của các cơ quan luật pháp để tránh gây ảnh hưởng sâu rộng của những chương trình di cư bất hợp pháp này nhắm vào nhóm lao động yếu thế.

2. Tiêu chí công bằng trong giao kết lao động:

Hiện tại chưa có thống kê chính xác số lao động Việt Nam Úc (chưa chính thức trở thành công dân Úc) đang làm việc tại các cơ sở doanh nghiệp của Úc. Tuy nhiên việc tham gia vào thị trường lao động trong lúc còn giữ visa du học 500 của các học viên người Việt Nam rất phổ biến, có thể lên tới trên 90%. Thời gian làm việc từ 24 giờ / 1 tuần trở lên tùy theo tố chất ngành nghề và thời điểm của khóa học. Ngoài ra, không nhiều người biết tới, các lao động lành nghề tại Việt Nam một khi đủ điều kiện (như đã nhắc ở trên) hoàn toàn có thể nộp hồ sơ và được xét duyệt để sang Úc làm việc. Các lao động một khi có giao kết trực tiếp với chủ doanh nghiệp Úc được đảm bảo các điều kiện làm việc bao gồm cả mức đãi ngộ và quyền được tôn trọng đối xử công bằng như các lao động khác tại Úc theo quy định của luật lao động Úc (Australian Fair Work Act).

Quyền được đối xử công bằng khó có thể được đảm bảo trong trường hợp người lao động chấp nhận đi làm việc không có giao kết trực tiếp với người sử dụng lao động (phổ biến như sinh viên đi làm thêm nhận tiền mặt hoặc những người đi theo diện thị thực visa du lịch đi làm khi không được phép/ ở quá hạn hay còn gọi là bất hợp pháp, thực trạng rất phổ biến). Ở Úc không hiếm hoi trường hợp có sự tranh chấp về quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Khi xảy ra vấn đề tranh chấp, người lao động Việt Nam thường hay chấp nhận sự thiệt thòi do vấn đề hạn chế nhận thức về luật, bao gồm hiểu được chính xác bản chất về giao kết hợp đồng lao động hoặc có những hành xử không đúng theo các quy định bao gồm các nội quy công việc của các doanh nghiệp. Đa số trong những trường hợp này rủi ro của các lao động rất lớn, có 1 số trường hợp chấp nhận mất quyền lưu trú hoặc có những thiệt thòi hơn nữa về sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như tài chính mà rất hạn chế về hỗ trợ.

3. Giải pháp để tạo lợi thế cạnh tranh lớn của lao động trẻ Việt Nam trên thị trường nhân lực quốc tế

Để đảm bảo được tính hợp pháp, công bằng cho lao động tham gia vào thị trường nhân lực quốc tế, rất cần tới sự hiểu biết và nhận thức đúng về cơ sở pháp lý cũng như các quy định để đảm bảo sự công bằng cho quyền lợi của chính người lao động. Ngoài ra lao động trẻ Việt Nam cần tích cực chuẩn bị cho việc rèn luyện, đào tạo các kỹ năng cần thiết để trang bị cho lộ trình làm việc tại môi trường quốc tế bao gồm: đào tạo các kỹ năng nghề, kỹ năng ngoại ngữ, tư duy văn hóa ứng xử cũng như các kiến thức căn bản về các quy định và luật tại nước sở tại. Một khi đã trang bị được đầy đủ các kỹ năng, lao động trẻ Việt Nam thực sự đang ngày càng tạo được dấu ấn tốt đẹp tuy chưa phải nhiều về số lượng ở các cơ sở nghề do đặc trưng tính cách dân tộc Việt Nam vốn nổi tiến: trách nhiệm, chăm chỉ, chân thành, hòa nhã, nhẫn nhịn, trung thực và đoàn kết. Đấy chính là những tiêu chí nổi bật nhất các doanh nghiệp quốc tế (không chỉ Úc) mong đợi từ các ứng viên lao động.

Do đó rất cần thiết ghi nhận và đẩy mạnh hơn nữa nhiều hoạt động hợp tác giữa các tổ chức giáo dục di trú quốc tế và các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề tại Việt Nam, để mở ra những cơ hội hứa hẹn cho học sinh, sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu, làm việc và nâng cao tay nghề tại Úc trong thời gian vừa qua và tương lai.

Xin kết thúc bài tham luận và xin được gửi lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng.

Tham khảo buổi tham luận của CEO Daisy Nguyen của Báo pháp luật: https://plo.vn/co-hoi-thu-nhap-tien-ti-moi-nam-cho-nguoi-lao-dong-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post765172.html

Trả lời